#8 đặc sản Cù Lao Chàm nức lòng du khách khó cưỡng lại

- Quảng Cáo -

Ngoài vẻ đẹp hoang sơ bình yên của vùng biển đảo Hội An thì Cù Lao Chàm còn sở hữu những món ăn, đặc sản nức lòng du khách khó cưỡng lại. Cùng điểm qua những đặc sản này ngay trong bài viết bên dưới nhé.

Top 8 đặc sản Cù Lao Chàm

1. Cua Đá

Món đặc sản đầu tiên mà du khách đến đây nhất định phải nếm thử một lần. Vì thường sống trong hang đá trên núi nên chúng được gọi là cua đá. Loại cua đá này rất khỏe và chạy rất nhanh nên việc săn bắt cua đá không hề dễ dàng. Với một thợ săn cua đá lành nghề chỉ có thể bắt được khoảng 4 – 5/10. Cua đá Cù Lao Chàm dẻo dai, khỏe và “ăn chay” nên thịt cua rất ngọt, dịu thanh, thịt dai hơn và không chút mùi tanh so với cua biển, cua đồng.

Đặc sản Cù Lao Chàm

Đặc biệt nhất chính là hương thơm kỳ lạ khi thưởng thức cua đá. Lúc cua mới được luộc vẫn còn hơi nóng, làn khói nhẹ phả ra thừ phần thịt nằm dưới mai cua xông lên mũi phảng phất môt chút the the, cay cay mùi thảo dược mang đến cho bạn một cảm giác như đang ngồi trước một nồi xông giải cảm.

Bên cạnh luộc thì cua đá còn được người dân địa phương nướng và hấp bia hay cầu kỳ hơn là xào me hay rang muối. Để ngon hơn bạn nên rửa sạch rồi chế biến nguyên con nhé.

Ngồi bên bờ biển gió thổi hiu hiu, thưởng thức từng miếng thịt cua vùa ngon ngọt vừa lạ miệng sẽ là trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến với Cù Lao Chàm.

Có thể bạn quan tâm:

2. Mực một nắng

Tại Cù Lao Chàm, có rất nhiều loại mực khác nhau như: mực lá, mực tuộc, mực ghim, mực ống,… nhưng để có thể chế biến được món mực một nắng ngon nhất chỉ có thể là mực ống. Mực một nắng ở đây được chế biến rất đặc biệt, sau khi được đánh từ biển mang về những con tươi rói, sẽ được đem phơi dưới cái nắng giòn tan.

Mực một nắng Cù Lao Chàm

Phơi một nắng như thế này mực sẽ rút bớt nước, có độ chín tái, khi ăn vẫn cảm nhận được vị tươi ngon của mực tuoi và cả hương vị của mực khô. Việc phơi mực một nắng cũng đòi hỏi phải thật sự khéo léo, làm sao cho phần thân bên ngoài của mực thì ráo hẳn, nhưng phần thịt bên trong thì vẫn còn tươi rói.

Nướng mực một nắng không khó nhưng đòi hỏi bạn phải thật tỉ mỉ, phải nướng kỹ trên lửa nhỏ và không được để lửa quá già. Mực vừa chín tới là lúc chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên. Chấm một miếng mực ngọt mềm, thơm phức vào chén tương ớt quảng nam cay nồng.

3. Bào ngư

là một loại ốc cực hiếm, được biết đến với nhiều tên gọi như ốc cửu không (do có 9 lỗ trống) hay hải nhĩ (do có hình dạng giống cái tai). Bào ngư được khách du lịch rất yêu thích. Loài ốc này bám vào những tảng đá ngầm san hô ở vùng nước biển có độ mặn cao, sóng gió vì vậy rất khó bị phát hiện. Để bắt được bào ngư Cù Lao Chàm, ngư dân có kinh nghiệm phải lặn sâu xuống biển và khó khăn lắm mới tách chúng ra khỏi những tảng đá.

Thịt bào ngư giòn, có mùi vị thơm. Các món từ bào ngư nếu biết cách kết hợp với các gia vị sẽ tạo nên những món ăn vô cùng hấp dẫn mà không loại hải sản nào sánh được. Bào ngư tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, hấp, xào tùy theo từng khẩu vị của thực khách. Nhiều người ưa món bào ngư luộc với gừng. Để bề mặt thịt bào ngư sau khi luộc không bị rút lại và xuất hiện các vết nứt phải bỏ bào ngư vào nồi khi nước gừng hơi nóng. Bào ngư luộc chấm muối tiêu chanh, thịt sẽ béo ngọt, ăn vào cảm giác lạ miệng, rất đặc biệt so với những loại hải sản khác.

4. Ốc vú nàng

Nên ra đảo Cù Lao vào ngày trăng tròn để thưởng thức những món ăn được chế biến từ ốc vú nàng. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều. Không phổ biến như ở Côn Đảo, Phú Quý…nhưng ốc vú nàng Cù Lao Chàm là đặc sản lạ tai, lạ mắt đối với nhiều du khách. Chỉ với tên gọi thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến nhiều người muốn tò mò, tìm hiểu. Thật ra vú nàng là loài ốc hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ trông tựa như bầu vú của cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ.

Ốc vú nàng Cù Lao Chàm

Vì số lượng có hạn, nên dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá, dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Thưởng thức từng con ốc giòn giòn, ngòn ngọt mới hiểu hết kỳ công của người đi bắt ốc. Người dân xứ biển có thể chế biến ốc vú nàng thành nhiều món, trước tiên là món luộc. Nói là luộc nhưng chẳng cần tí nước nào, những con ốc vú nàng tự thân khá nhiều nước, tự nó đủ nước luộc lấy.

Ốc bắt về ngâm nước cho sạch, xếp vào nồi, trong khi luộc, mở nắp nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra. Trong giây lát những con ốc vú nàng đã bắt đầu co dần, khi thịt đã chuyển sang màu vàng, mùi thơm lan tỏa là ốc chín. Món này ăn nóng cùng với muối tiêu, chanh, người sành ăn dùng tay húp luôn nước trong con ốc.

Món thứ đến là món nướng, món này ấn tượng không kém món luộc. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò than. Sắp ốc lên vỉ nướng, vài phút sau nước ốc nhỏ ra vỉ nướng xèo xèo, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi. Ốc vú nàng nướng phải vừa chín tới ăn mới ngon, để quá lửa thì thịt bám chắc hay săn quắt lại rất khó gỡ ra. Cứ một miếng ốc vú nàng, một ngụm rượu, trong chốc lát số vỏ ốc đã bỏ đầy một góc.

Món gỏi ốc vú nàng cũng đầy hương vị đậm đà khiến người thưởng thức khó mà quên được. Thịt ốc thái mỏng trộn với da lợn, thịt ba chỉ, dưa chuột, rau răm, rau húng, đậu phụng rang giã dập nhỏ, chanh tươi, ớt và nước mắm ăn với bánh tráng nướng, chấm với nước mắm gừng là tuyệt không gì bằng.

5. Rau rừng

Rau rừng Cù Lao Chàm tập hợp gồm 16 loại cây lá rừng mang hương vị của thuốc nam rau rừng mọc hoang ở các chân núi, khá phong phú về chủng loại: rau dớn, rau sân, rau lủi, mã đề… Đầu hạ là vào mùa chính thu hoạch rau rừng của đảo này. Đơn giản nhất là luộc rau, chấm mắm cái dầm ớt tỏi, khi thưởng thức món này. Qúy khách có thể thấm tháo được mùi của các loại rau hòa quyện lại với nhau tạo thành một mùi thơm rất là đặc biệt và mang đặc trưng riêng của rau rừng Cù Lao Chàm.

Rau rừng tươi sống kèm với hải sản cuộn trong lớp bánh tráng lụa chấm mắm nêm lại trở thành gia vị đặc biệt. Rau rừng còn được dùng để nấu canh với tôm hay thịt băm nhuyễn hoặc rau rừng phơi khô rồi pha uống như pha trà, công dụng uống giải độc, mát gan rất tốt cho cơ thể.

Ngoài ra, tại Cù Lao Chàm bạn có thể thưởng thức một loại rau nữa, đó là rau đắng. Du khách sẽ được thưởng thức món dân dã rau đắng xào hành tỏi, thêm một ít đậu phộng hoà quyện cùng vị đắng thanh thì quả thật rất hấp dẫn.

6. Bánh ít lá gai

Thuở ban đầu, bánh ít lá gai Cù Lao Chàm chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết truyền thống. Nhưng nhờ hương vị thơm ngon, bánh ít lá gai Cù Lao Chàm thành thương hiệu riêng, nổi tiếng và không biết tự bao giờ, bánh ít là gai nơi biển đảo Cù Lao Chàm đã trở thành hương vị khó quên với nhiều du khách mỗi lần ghé thăm.

Để cho ra đời một chiếc bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ. Riêng tại vùng đảo Cù Lao Chàm quy trình làm bánh rất riêng, khó có thể nhầm lẫn.

Đầu tiên chọn loại lá gai tươi. Người nấu bánh phải vào tận rừng trên đảo để tìm bằng được những gùi lá gai xanh đậm. Lá đem về xé làm hai, tước bỏ xơ, sống lá, rửa sạch, luộc cho lá mềm nhừ rồi vớt ra để nguội, vẩy cho thật ráo nước. Cho vào cối hoặc máy nghiền từng ít một, giã cho lá nhuyễn mịn.

Công đoạn tiếp theo là quết bột bằng cách trộn đều bột nếp (loại bột nếp lúa mới, vừa thơm vừa dẻo) sau đó quết hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn. Khâu quết bột quyết định bánh có ngon hay không. Phải quết thật kỹ, nếu không hỗn hợp bột sẽ bị lợn cợn làm bánh không mịn. Sau khi quết, trộn đều nước đường tỉ lệ vừa ăn với hỗn hợp bột và lá gai, nhồi kỹ lần nữa cho thật mịn bóng.

Riêng phần nhân bánh làm bằng đậu xanh được hấp chín, giã nhuyễn mịn trộn với ít đường. Tuy nhiên, để có được chiếc bánh ít ngon và đạt hạng như ở vùng đảo Cù Lao Chàm, phần nhân bánh không chỉ thuần túy làm bằng đậu xanh mà còn trộn chung với dừa nạo sợi trụng qua nước sôi để ráo và không quên nhỏ thêm vài giọt dầu hoa bưởi.

Cuối cùng là gói và mang bánh đi hấp. Người ta chọn lá gói bánh ít là lá chuối chát (chuối hột), không dùng lá chuối khác. Người gói bánh phải đảm bảo bánh gói cho nhanh, cho khéo. Từng cục bột được dàn mỏng, cho nhân vào, vo tròn. Lót từ hai đến ba miếng lá chuối xếp mí lên nhau, thoa lên mặt lá trong cùng ít dầu ăn rồi đặt viên bánh vào giữa. Chỉ cần vài ba động tác khéo léo từ đôi bàn tay người thợ là đã có những chiếc bánh ít lá gai hình tam giác, hình tháp xinh xắn.

Bánh gói xong mang đi hấp cách thủy trong nồi nước sôi để lửa lớn. Khâu hấp bánh tưởng đơn giản nhưng cũng khá kỳ công và quyết định chất lượng bánh. Bánh phải xếp thưa, không quá hai chồng để dễ chín đều. Hấp đúng 30 phút sau khi nước sôi là được. Nhanh tay lấy bánh ra, để chỗ thoáng gió cho lá mau ráo.

Không khoe mùi tỏa hương như bánh ram, bánh khoai…, chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa người ta mới thật sự ngỡ ngàng, lớp vỏ mỏng với sắc xanh sẫm bình dị, bao lấy khối nhân bóng vàng bên trong.

Từ lâu, bánh ít lá gai là niềm tự hào của người dân nơi phố cổ Hội An. Người con xa quê trên mỗi bước đường cứ nhớ hoài mùi hương gạo nếp, hương lá gai phảng phất trong từng chiếc bánh ít nhỏ nhắn. Mỗi du khách khi đến Hội An cũng tìm đường vượt sóng đến được đảo Cù Lao Chàm để tha hồ thưởng thức những chiếc bánh ít hay tận mắt chứng kiến cách làm bánh rồi mua về làm quà cho người thân.

7. Yến sào

Cù Lao Chàm là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến. Chim yến là một giống chim có thịt không ngon, lông không đẹp, hót không hay nhưng lại sản sinh ra một loại thực phẩm, dược phẩm rất quý hiếm, đó là tổ yến, hay còn gọi là yến sào hoặc tai yến. Từ lâu các nhà khoa học đã khẳng định rằng chim yến dùng nước bọt của mình do cặp tuyến dưới lưỡi tiết ra để làm tổ.

yến sào Cù Lao Chàm

Sợi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, mềm và dai, nhưng do tác động của không khí nên nhanh chóng bị đông cứng lại và chuyển thành màu trắng đục. Yến sào Cù Lao Chàm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng dương, ổn định thần kinh, chống lão hoá, làm đẹp nước da và có thể ngăn ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh nan y như lao phổi, hen suyễn, viêm xương…Chính vì vậy, yến sào Cù Lao Chàm là loại hàng hoá hiếm quý, đắt giá trên thị trường từ xưa đến nay.

8. Nhum biển (cầu gai)

nhum biển Cù Lao Chàm

Nhum biển nướng cũng là món ăn mà du khách nên một lần thử qua khi du lịch Cù Lao Chàm. Nhum được ví là “nhân sâm” của biển cả vì không chỉ thơm ngon mà có rất bổ dưỡng. Người bán hàng ở Cù Lao Chàm thường làm nhum sau đó dồn 2,3 con vào trong 1 vỏ, hòa với trứng cút hay trứng gà rồi nướng trên bếp than đỏ rực. Khi mùi hương đã bắt đầu thoang thoảng thì người lại rưới thêm ít mỡ hành béo ngậy để tăng độ “cuốn hút” cho món ăn.

Mong rằng qua bài viết đặc sản Cù Lao Chàm có thể giúp bạn tìm hiểu được những món ăn ngon để thưởng thức khi đến với đảo xanh này nhé.

- Quảng Cáo -

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Viết Liên Quan

Bài Viết Cùng Chủ Đề